Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác đảm bảo an toàn và sức khỏe người lao động, đặc biệt là công tác sơ cấp cứu người bị tai nạn lao động. Ngày 22/8/2023, Công ty Điện lực Bắc Ninh đã phối hợp với Bệnh viện Tuệ Tĩnh - Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức lớp Huấn luyện công tác sơ cấp cứu người bị tai nạn lao động năm 2023, với hơn 60 người lao động tham gia tập huấn.

Toàn cảnh lớp huấn luyện
Tại buổi huấn luyện, Bác sĩ Phạm Thu Trang – Bệnh viện Y học Tuệ Tĩnh, với kinh nghiệm và kỹ năng dày dặn trong giảng dạy đã mang đến buổi tập huấn những kiến thức cập nhật mới nhất về cấp cứu tại chỗ và các kỹ năng xử lý tình huống. Bác sỹ đã giới thiệu bao quát chung về phương tiện cấp cứu, người cấp cứu, túi thuốc cấp cứu, phòng cấp cứu và các trường hợp cấp cứu đặc biệt. Phần chú trọng nhất học viên cần nắm vững kiến thức là các nguy cơ thường gây tai nạn trong lao động và nguyên tắc cấp cứu, một số trường hợp cấp cứu thường gặp, như: Cầm máu tạm thời, băng bó vết thương, cố định xương gẫy, cố định gẫy xương chi trên và chi dưới. Các hình thức cấp cứu gồm: Cấp cứu điện giật, cấp cứu bỏng, cấp cứu đuối nước, cấp cứu ngạt thở, cấp cứu ngừng tim, cấp cứu nạn nhân bị ngã cao,…; phương pháp vận chuyển bệnh nhân an toàn để cấp cứu ban đầu.
Bác sĩ Phạm Thu Trang làm mẫu trong lớp huấn luyện
Sau phần lý thuyết, các học viên đã được bác sỹ hỗ trợ thực hành các kỹ năng sơ cứu với các tình huống giả định cụ thể, sát với thực tế trong công việc hàng ngày như: Hô hấp nhân tạo trên hình nhân, cố định và băng bó vết thương ở tay hoặc chân, băng bó vết thương ở vùng đầu, kỹ thuật sơ cấp cứu người ngưng tim, ngưng thở,…, và các kỹ năng linh hoạt để sẵn sàng vận dụng trong trường hợp có tai nạn lao động xảy ra.
Bác sĩ Phạm Thu Trang trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật sơ cấp cứu cho người lao động
Qua khóa huấn luyện, với sự hướng dẫn nhiệt tình của đội ngũ Y- Bác sĩ, người lao động đã được cập nhật được nhiều kiến thức bổ ích, nắm được kỹ thuật và thực hành về sơ cấp cứu, bảo đảm mỗi ca làm việc hoặc nhóm làm việc lưu động phải có người hoặc lực lượng chịu trách nhiệm sơ cứu, cấp cứu. Đảm bảo việc chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại nơi làm việc, hạn chế tối đa các tổn thương trong việc sơ cứu, giảm thiểu các trường hợp tử vong đối với nạn nhân.
Văn Nhâm - PC Bắc Ninh